Ngay từ sáng 11/2 (tức 15 tháng Giêng) đã có hàng vạn du khách thập phương đổ về khu vực sân khấu nhà đền Đại Kại thuộc khu di tích lịch sử khảo cổ Hắc Y - Đại Kại để tham gia lễ khai hội, lễ tụng kinh niệm phật, lễ cúng thiên địa, cầu an, cầu mùa… cầu cho quốc thái dân an. 

Ban tổ chức làm lễ dâng hương để cầu bà chúa bầu phù hộ cho mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt, Quốc thái dân an. Ảnh BB

Bên cạnh đó, du khách còn tham gia chương trình giao lưu văn nghệ, đặc biệt du khách sẽ cùng các đoàn viên thanh niên tay trong tay hòa trong tiếng nhạc rộn rã, nhịp điệu vui tươi trong đêm lửa trại; tham gia chương trình thả đèn hoa đăng bên bờ dòng sông Chảy; tham gia vào các trò chơi dân gian truyền thống như ném còn, đẩy gậy, kéo co, đi cà kheo…

Ông Vi Văn Ngọc - Trưởng Ban tổ chức lễ hội cho biết, quần thể di tích lịch sử văn hoá - Khảo cổ học xã Tân Lĩnh huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái đã được Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch công nhận là di tích cấp Quốc gia, được các nhà khảo cổ đánh giá rất cao và có tầm vóc lịch sử quan trọng đối với toàn bộ hệ thống các di tích lịch sử trên địa bàn huyện Lục Yên.

Theo dân gian truyền lại, cũng như sử sách từ lâu đời, đền Đại Kại thờ Bà Chúa quân lương Vũ Thị Ngọc Anh (tên tự là Ngọc nữ Huỳnh Dung). Đền Đại Kại có từ thời Lê do nhân dân xã Lâm Hạ (nay là xã Tân Lĩnh), thuộc Lâm trường Hạ, châu Lục Yên, phủ Yên Bình, trấn Tuyên Quang lập nên, đứng gốc là xã Lâm Hạ (nay là xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái).

Theo “Kiến văn tiểu lục” của nhà sử học Lê Quý Đôn, vào thời vua Lê Chiêu Tông (1516 – 1522), Mạc Đăng Dung nổi lên chống triều đình Nhà Lê, xây dựng căn cứ (thành Nhà Mạc) xứ Tuyên Quang.

Vua Lê Chiêu Tông cử Vũ Văn Mật, người ở Gia Phúc (nay là Gia Lộc, tỉnh Hưng Yên) dẫy binh khởi nghĩa ở suối Khổng (Lập Thạch - Vĩnh Phúc), thu thập binh mã, kéo lên vùng châu Thu Vật (nay thuộc huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái), xây dựng Thành Nhà Bầu. Bà Vũ Thị Ngọc Anh là con nhà dòng dõi tướng lĩnh, tinh thông văn võ, lại am hiểu nghề nông. Tướng Vũ Văn Mật tiến cử Bà lên nhà Vua và được nhà Vua phong chức phó tướng, phụ trách quân lương. 

Hàng chục năm với cương vị của mình, Bà đã giữ trọn việc quân lương ở vùng rừng núi hiểm trở. Thời đó, hầu hết dân bản xứ đều là dân tộc thiểu số, trình độ canh tác còn thấp. Bà chúa Bầu họ Vũ đã đem kinh nghiệm canh tác ở miền xuôi phổ biến cho nhân dân và quân binh trong vùng để khai khẩn đất đai trồng lúa nước, trồng bông dệt vải. Hàng chục cánh đồng ở Châu Thu Vật, châu Lục Yên đều có công của Bà chỉ bảo dân binh khai hoang, định cư trồng cây lúa nước. Bà Vũ Thị Ngọc Anh đã cùng Tướng công Vũ Văn Mật xây dựng nên một hệ thống thành nhà Bầu ở khắp mọi nơi, trong thành đều có các võ tướng chỉ huy luyện tập binh mã tại võ trường dưới chân núi Hắc Y. Bà còn trực tiếp luyện tập quân binh để bổ sung cho 11 doanh trại.

Sau khi dẹp xong nhà Mạc, Tướng Vũ Văn Mật được Vua Lê phong là “Quốc công An Tây Vương”, còn Bà Vũ Thị Ngọc Anh một nữ tướng luôn bên cạnh Quốc công Vũ Văn Mật được nhân dân trong vùng tôn thờ như “Bà chúa lương”, “ Bà chúa kho”, “Bà Anh thần nông”, đồng bào địa phương còn gọi là “Bà Bụt” khi cúng bà trong các hội Lồng tồng.

Lễ hội đền Đại Kại là để tưởng nhớ đến công ơn những danh nhân một thời đã có công khai sơn, phá thạch, chiêu dân, lập làng mở chợ, xây dựng thành lũy, giữ yên bờ cõi từ thời các Vua Lý – Trần và sau này là các chúa Bầu họ Vũ đã kế tục truyền thống dựng nước và giữ nước qúy báu của ông cha.

Dưới đây là một số hình ảnh do phóng viên ghi lại tại lễ hội đền Đại Kại xuân 2017.

 

Thi đấu bóng chuyền xã Minh Chuẩn và xã Tân Lĩnh

 

Du khách háo hức xem trọi gà

 

Màn kéo co sôi động

 

Trò chơi bịt mắt bắt vịt được đông đảo nhân dân cổ vũ

 

Tiết mục Văn nghệ mang đậm bản sắc truyền thống

 

Huyện đoàn và Đoàn thanh niên xã Tân Lĩnh chủ trì tiết mục lửa trại ý nghĩa

 

Du khách thả đèn hoa đăng 

Tin, ảnh: Bùi Bình