Các sai phạm chủ yếu như không ký hợp đồng lao động; không mua, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động đã tồn tại trong nhiều năm nay. Các cơ quan chức năng đã kiểm tra phát hiện và xử phạt đơn vị sử dụng lao động vi phạm, nhưng tình trạng này vẫn tiếp diễn.

Hầu như nguời lao động khi vào làm công nhân tại hầu hết các cơ sở chế biến thủy sản đều "mù mờ" trước quy định liên quan đến quyền lợi người lao động cần phải có như bảo hiểm, hợp đồng… Trong khi đó, người sử dụng lao động lách luật bằng cách chỉ ký hợp đồng thuê lao động dưới 3 tháng và theo mùa vụ, khoán gọn công việc trả luơng theo sản phẩm, họ không chịu trách nhiệm và ràng buộc nào khác đối với nguời lao động.

Tại xã Tân Phong (huyện Giá Rai) có đến hàng chục công ty, xí nghiệp đóng trên địa bàn. Đây chính là lợi thế để địa phương giải quyết nguồn lao động. Trong tổng số 7.000 thanh niên có độ tuổi từ 16 - 30 tại xã Tân Phong, có trên 1.000 thanh niên lập nghiệp ở phương xa, số còn lại đều vào làm trong các cơ sở chế biến thủy sản. Theo nhận định của Bí thư Xã đoàn Tân Phong: “Gọi là làm việc tại các công ty, xí nghiệp nhưng đa phần thanh niên chỉ làm theo kiểu mùa vụ. Nhiều trường hợp xin việc chỉ dựa trên sự thỏa thuận với doanh nghiệp mà không có hợp đồng ràng buộc. Do đó, những quyền lợi của người lao động lại không được đảm bảo”.

Các ngành chức năng đã tổ chức một đợt kiểm tra tại một số công ty, xí nghiệp trong tỉnh, qua đó phát hiện hầu như ở công ty nào cũng có tình trạng sai phạm trong việc tuyển dụng lao động. Với những bất cập như trên cho thấy việc thực hiện Luật Lao động cho người lao động tại các công ty còn nhiều bất cập. Hoạt động kiểm tra, giám sát của ngành chức năng còn buông lỏng; các hoạt động hỗ trợ tư vấn cho người lao động cũng chưa được quan tâm đúng mức.

Hàng năm tổ chức Đoàn Thanh niên cũng đã phối hợp với các công ty, xí nghiệp trong và ngoài tỉnh giới thiệu việc làm cho thanh niên. Tuy vậy, việc tư vấn những kiến thức cần thiết cho người lao động gần như không có. Gần đây phong trào lập nghiệp phương xa của thanh niên đã trở thành phổ biến. Nhiều địa phương cũng đã nghĩ đến việc giữ chân thanh niên lập nghiệp ngay tại quê nhà với nhiều hình thức giới thiệu việc làm, mô hình sản xuất. Nhưng đó mới chỉ là điều kiện cần, vì môi trường làm việc an toàn, đảm bảo đúng luật mới là điều kiện đủ để thanh niên an tâm lập nghiệp ngay tại quê nhà.

Chị Trương Hồng Trang, Bí thư Tỉnh đoàn Bạc Liêu cho biết: “Thời gian qua, vấn đề giải quyết việc làm cho thanh niên còn nhiều vướng mắc. Khi ký kết với các công ty, một số đơn vị Đoàn xem như đã hết trách nhiệm. Từ đó, các đơn vị Đoàn này không thể nắm bắt được tình hình hoạt động của thanh niên trong xí nghiệp, cũng như không thể xác định được doanh nghiệp có thực hiện đúng những điều khoản cam kết đối với người lao động hay không. Tỉnh đoàn đang xây dựng kế hoạch để công tác giới thiệu việc làm cho thanh niên đi vào chiều sâu, đảm bảo tính hiệu quả, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người lao động”.

Kế hoạch của Tỉnh đoàn trong thời gian tới là ngoài việc phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đào tạo nghề theo nhu cầu của thanh niên còn tổ chức các lớp tập huấn về Luật Lao động cho đối tượng này. Tổ chức Đoàn Thanh niên sẽ ký kết với các công ty để giới thiệu việc làm; đồng thời giữ mối liên hệ lâu dài với công ty để có thể nắm bắt tình hình lao động của thanh niên".

Cao Thăng